Phòng ngừa và điều trị viêm mũi xoang bằng rửa mũi

Phòng ngừa và điều trị viêm mũi xoang bằng rửa mũi

 

TTO - Mũi là cửa sổ của đường hô hấp nên ngoài chức năng để ngửi, mũi còn có các chức năng cơ bản đặc biệt quan trọng là làm ấm không khí, làm ẩm không khí và lọc không khí trước khi đưa vào phổi.

 Picture27

Khi bạn sống trong môi trường ô nhiễm, niêm mạc mũi phải tiếp xúc với nhiều bụi bẩn và vi trùng. Theo cơ chế sinh lý bình thường, các bụi bẩn và vi khuẩn này sẽ được giữ lại ở lớp niêm dịch trên niêm mạc mũi, sau đó được các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi đẩy dần về phía sau vòm mũi họng và sau cùng sẽ đi vào thực quản.

Tuy nhiên, sự hoạt động này không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt khi ở trong những trường hợp môi trường quá ô nhiễm, khí hậu thay đổi thất thường hoặc cơ địa của bạn quá nhạy cảm.

Để niêm mạc mũi luôn sạch, rửa mũi bằng nước muối là việc làm rất cần thiết.

Việc rửa mũi bằng nước muối đã được biết đến và áp dụng hơn một thế kỷ. Đến nay đã có rất nhiều công trình có giá trị khoa học chứng minh hiệu quả của việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, các bệnh do nhiễm siêu vi hoặc vi trùng ở đường hô hấp trên.

Đặc biệt trong bệnh lý mũi xoang mãn tính, rửa mũi giúp làm sạch hố mũi, các khe thông mũi xoang và các xoang, tránh sự ứ đọng dịch nhầy, đàm mủ, giúp hồi phục chức năng vận chuyển của niêm mạc mũi xoang, giúp làm nhẹ các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, chảy mũi sau, nhức đầu, hơi thở hôi.

Trong giai đoạn hậu phẫu của bệnh lý viêm mũi xoang, rửa mũi là cách điều trị hỗ trợ cực kỳ quan trọng giúp loại bỏ máu tụ, vảy mũi, giúp cho bệnh nhân ít nghẹt mũi, dễ chịu và mau hồi phục.

Nước muối sinh lý nồng độ 9/1.000 (hay 0,9/100), có nồng độ thẩm thấu bằng với nồng độ thẩm thấu của tế bào, do đó sẽ không có bất kỳ hiện tượng làm ảnh hưởng đến các tế bào của niêm mạc mũi xoang nói riêng cũng như tế bào toàn cơ thể nói chung nên rất an toàn, có thể sử dụng tốt để rửa mũi cho cả trẻ em và người lớn mà không gây bất kỳ khó chịu hay tác dụng phụ đáng kể nào khi thực hiện rửa mũi hằng ngày lâu dài.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có các gói muối biển đã chế biến sẵn, ngoài thành phần muối biển giàu khoáng chất và các nguyên tố vi lượng có lợi cho niêm mạc mũi xoang còn có thêm các chất khác như bi carbonate, chất cân bằng pH giúp cho những bệnh nhân có niêm mạc mũi nhạy cảm có cảm giác êm dịu và dễ chịu hơn.

Tuy nhiên các loại gói muối biển này giá thành cao hơn nước muối sinh lý thông thường và chưa phổ biến.

Cách rửa mũi bằng bình rửa mũi đúng cách:

• Rửa tay sạch

• Rửa bình rửa mũi sạch.

• Cho nước muối sinh lý hoặc nước tinh khiết pha với gói muối có sẵn vào bình nước. Kiểm tra nút đậy và van (nếu có) của bình rửa mũi.

• Đứng đối diện với bồn rửa, người nghiêng về phía trước sao cho khi rửa nước chảy ra từ mũi chảy vào bồn. Đầu nghiêng nhẹ sang phải nếu rửa bên mũi trái và ngược lại đầu nghiêng nhẹ sang trái nếu rửa bên mũi phải.

• Đặt vòi rửa vào lỗ mũi thật khít, há miệng to để tránh nước lên lỗ tai khi rửa. Bóp nhẹ chai nước để dung dịch đi từ mũi bên này và đi ra lỗ bên kia.

• Hỉ mũi thật nhẹ nhàng để loại bỏ nhầy và dịch còn sót lại trong hố mũi, không nên hỉ mạnh vì hỉ mạnh nước sẽ lên tai giữa gây ù tai khó chịu và có thể viêm tai. Nếu nước và dịch nhầy vẫn còn ứ đọng trong hố mũi, bạn có thể tiếp tục rửa và sau đó nhẹ nhàng hít sâu vào bằng miệng và thở ra bằng mũi nhiều lần, dịch mũi và dịch nhầy sẽ đi ra hết.

• Rửa lại bình rửa mũi và để ở nơi khô ráo.

Biến chứng rất hiếm gặp của rửa mũi là khi bơm nước vào hố với lực rất mạnh nhưng không hả miệng to, nước muối sẽ theo vòi nhĩ đi lên tai giữa gây đau tai hoặc viêm tai giữa.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)