Phân biệt viêm tai giữa và viêm ống tai ngoài

Phân biệt viêm tai giữa và viêm ống tai ngoài

Tôi năm nay 34 tuổi, hồi bé từng bị viêm tai giữa phía bên phải. Sau này thỉnh thoảng tôi có bị đau tai nhẹ, sau đều tự hết. Tôi có một thói quen là thường ngoáy tai bằng bông ngoáy tai.

Cách đây khoảng một tháng tôi thấy đau tai và giảm thính lực nhẹ, sau đau lan xung quanh hàm và hốc mắt, có biểu hiện ngạt mũi nhẹ, hạch dưới góc hàm đau nhẹ nhưng không sưng to. Không ho, không chảy nước mũi, nuốt không thấy nghẹn, tai không chảy nước.

Tôi đã đi khám bác sĩ chuyên khoa về tai - mũi - họng và được kết luận: hốc mũi, vách ngăn mũi bình thường, họng không có khối u. Bác sĩ kết luận viêm tai thanh dịch và được kê đơn thuốc điều trị. Nhưng đến nay hơn một tháng mà bệnh không thuyên giảm, các triệu chứng trên vẫn còn.

Vậy xin hỏi bệnh của tôi là gì? Hiện nay tôi rất lo vì bệnh không thuyên giảm và bị đau nên ảnh hưởng đến cuộc sống. Có phải tôi không bị gì như kết luận của BS không? Hay là viêm tai ngoài hoặc nặng hơn là tôi bị u mũ hoặc u vòm họng (ác tính hoặc lành tính).

Nguyen Luong Ngoc

Bạn không nên quá lo lắng vì đã được bác sĩ tai mũi họng khám, vì vậy các tình trạng nguy hiểm như ung thư vòm mũi họng, hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác đã chắc chắn được loại trừ.

Nếu bạn bị viêm ống tai ngoài thì khi kéo vành tai hoặc nằm đè lên bên tai bệnh sẽ có cảm giác đau. Và tình trạng đau tai có thể lan ra xung quanh đôi khi làm bạn đau cả nửa đầu phía bên tai bệnh. Tình trạng này rất dễ dàng chẩn đoán, vì khi khám bác sĩ sẽ thấy da ống tai sưng đỏ đôi khi bít cả lỗ tai ngoài, hoặc một mụt nhọt trong da ống tai ngoài nếu có trong trường hợp nhọt ống tai. Bệnh thường khỏi sau 3 - 5 ngày điều trị kháng sinh, kháng viêm và giảm đau đúng cách.

Nếu bạn bị viêm tai giữa thanh dịch, hoặc bị tắc vòi nhĩ thì thường là cảm giác đau sâu trong tai, không đau khi kéo hoặc ấn vào vành tai, để chẩn đoán chính xác sau khi nội soi kỹ mũi, vòm mũi họng và hai tai bạn cần được đo nhĩ lượng đồ và thính lực đồ. Việc điều trị khó khăn hơn, đôi khi kéo dài hàng tháng, nếu sau 3-6 tháng mà sức nghe không cải thiện, các xét nghiệm gián tiếp chứng minh vẫn còn dịch trong tai giữa thì bệnh nhân cần được đặt một ống thông nhĩ để giúp cân bằng áp lực của tai giữa và bên ngoài giúp tai giữa mau chóng hết dịch và sức nghe hồi phục.

Bạn nên đi khám và theo dõi với bác sĩ tai mũi họng, lý tưởng nhất ở những cơ sở y tế có đầy đủ máy nội soi TMH, máy đo nhĩ lượng đồ và phòng đo thính lực.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG