Khàn tiếng không phải bệnh lý di truyền

Khàn tiếng không phải bệnh lý di truyền

 

TTO - Con tôi được 41 tháng, lúc cháu biết nói tiếng một thì tiếng của cháu còn trong, khi nói câu dài tiếng hơi khàn khàn, càng ngày cảm thấy càng khàn hơn. Vậy cháu mắc bệnh gì hay khàn tiếng bẩm sinh? Ông nội của cháu tiếng nói cũng rất khàn, khàn tiếng có di truyền không? (Nguyễn Thị Dung) 

Tư vấn của bác sĩ

Nguyên nhân thường gặp gây khàn tiếng ở trẻ em bao gồm viêm mũi, viêm VA, trào ngược thanh quản, sử dụng thanh quản quá mức (khóc, la) và một số bệnh lý như u nhú thanh quản, hạt, polyp hoặc nang dây thanh âm.

Khàn tiếng không phải là bệnh lý di truyền.

Khi viêm mũi, viêm VA tái phát nhiều lần, dịch viêm từ mũi và VA sẽ chảy xuống thanh quản làm viêm thanh quản gây khàn tiếng. Khàn tiếng sẽ bớt nếu điều trị viêm mũi và viêm VA đúng cách.

Khàn tiếng ở những bệnh nhân do trào ngược thanh quản thường đi kèm với các triệu chứng như thường hay ợ, buồn nôn hoặc nôn sau ăn, ho vào buổi tối hoặc khi nằm. Khi axit ở dạ dày trào ngược lên thanh quản sẽ làm hai dây thanh phù nề lâu ngày có thể diễn tiến thành hạt dây thanh gây khàn tiếng ngày một tăng dần.

Khàn tiếng ở những bệnh nhi sử dụng thanh quản quá mức như khóc la, nói nhiều thường biểu hiện có những đợt khàn tiếng, đặc biệt sau những đợt vui đùa quá mức, sau đó sẽ dần dần đỡ nếu giảm nói nhiều, khóc nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp diễn tiến thành hạt dây thanh hoặc nang dây thanh gây khàn tiếng kéo dài ngày một nhiều.

U nhú thanh quản là bệnh lý rất hiếm xảy ra, khoảng 4,5/100.000 người. Bệnh do nhiễm virút HPV (human papilloma virus) type 6 và type 11. Bệnh có những u nhú nhỏ mọc ở hai dây thanh, thanh quản và lan dần đến dưới thanh quản hoặc bên trên của thanh quản. Triệu chứng của bệnh xảy ra rất sớm, thường bé có biểu hiện khóc yếu, nuốt khó, thở có tiếng và ho, dần dần trẻ sẽ có tiếng rít khi thở rất rõ và khàn tiếng tăng dần cho đến khi khó thở nếu không phẫu thuật.

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý thanh quản, cách tốt nhất là thực hiện nội soi thanh quản. Ở những trẻ lớn hợp tác tốt có thể tiến hành nội soi ống mềm với gây tê tại chỗ. Đối với trẻ nhỏ nên thực hiện nội soi thanh quản dưới gây mê toàn thân.

Khi có chẩn đoán chính xác, việc điều trị sẽ cụ thể và hiệu quả.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)