Gai vách ngăn mũi gây ngất xỉu?

Gai vách ngăn mũi gây ngất xỉu?

 

TTO - Tôi có 1 đứa em, gần đây khoảng 2 tuần em tôi hay bị nhức đầu và ngất xỉu. Khoảng 4 ngày thì bị khoảng 2 lần, nếu đi bộ càng nhiều thì càng dễ mệt và dẫn đến choáng váng sau đó là ngất xỉu. Em tôi đã đi khám ở BV, BS bảo em bị viêm xoang và có 1 cái gai trong mũi, chính cái gai ấy đã gây nhức đầu và ngất xỉu, phải mổ để trị dứt điểm. Mấy ngày nay theo chỉ dẫn từ bác sĩ thì em tôi chích thuốc 1 ngày 2 lần và hẹn 2 ngày sau sẽ mổ. Nhưng hiện tại em tôi đang sắp thi HK nên chúng tôi có xin khoảng 1 tháng rưỡi nữa mổ. Tôi có đọc bài trả lời của báo Tuổi Trẻ cho bài "Viêm xoang khi nào cần phẫu thuật". Xin cho tôi hỏi có trường hợp nào viêm xoang mà bị gai trong mũi và gây nhức đầu, ngất xỉu không? Nếu có thì kéo dài thời điểm mổ có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không? Và nếu mổ thì phải nằm viện bao lâu? (Nguyễn Nhật Khánh)

Tư vấn của bác sĩ

Các trường hợp vẹo vách ngăn, gai vách ngăn hoặc mào vách ngăn được chỉ định phẫu thuật khi: thứ nhất, gây nghẹt mũi cùng bên; thứ hai, gây hẹp phức hợp lỗ thông gây ra viêm xoang cùng bên; thứ ba, gây nhiều trở ngại trong phẫu thuật nội soi mũi xoang; thứ tư, gây nhức đầu dai dẳng mà đã loại trừ là không có các nguyên nhân khác.

Theo lời anh mô tả, trường hợp của em trai anh có 2 yếu tố làm chúng tôi rất ít nghĩ đến chẩn đoán gai vách ngăn gây nhức đầu bởi 2 lý do: thứ nhất là mới bị nhức đầu cách đây 2 tuần, nếu có gai vách ngăn thì gai này đã tồn tại từ lâu rồi (vì bản chất đây thường là một gai xương) tại sao từ trước đến giờ không gây nhức đầu? Nếu cho rằng do viêm mũi các cấu trúc trong mũi phù nề làm đụng vào gai gây ra nhức đầu thì em của anh có kèm theo triệu chứng của viêm mũi không (các triệu chứng như nghẹt mũi, chẳng mũi chẳng hạn)?

Thứ hai là tính chất đau đầu của em anh diễn tiến cấp tính với mức độ nặng đến ngất xỉu, thường thì trong các trường hợp gai vách ngăn tính chất đau đầu thường âm ỉ, diễn tiến mạn tính, chỉ tăng lên khi có đợt viêm mũi xoang cấp tính mà thôi và thường đi kèm với các triệu chứng sốt, hỉ hoặc khạc ra đàm xanh, nhưng đau đến mức bệnh nhân phải xỉu thì thật là ít nghe thấy. Do vậy em của anh nên được chụp CT mũi xoang, CT não cũng như khám với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh là điều rất cần thiết.

Sau khi chẩn đoán được xác định, nếu có chỉ định phẫu thuật, em trai của anh nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt, dĩ nhiên có thể cân nhắc cho phù hợp với hoàn cảnh của chính mình như tình trạng sức khỏe, sự thuận lợi về thời gian cho công việc học tập hay làm việc, tình hình tài chính chi phí cho phẫu thuật, vì đây không phải là phẫu thuật cấp cứu đòi hỏi phải làm ngay.

Thời gian nằm viện sau khi mổ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: thứ nhất là mức độ can thiệp trong lúc mổ: trong lúc mổ có thể kết hợp với phẫu thuật mở rộng phức hợp lỗ thông mũi xoang để trị viêm xoang; thứ nhì là tình trạng bệnh nhân sau mổ: bệnh nhân không chảy máu, ít đau nhức, tổng trạng tốt như đi lại ăn uống và sinh hoạt cá nhân tốt. Thông thường bệnh nhân có thể ở lại bệnh viện từ 1 đến 4 ngày tùy từng trường hợp cụ thể.

Sau cùng chúng tôi xin được nhắc với anh rằng người tư vấn tốt nhất và trả lời đầy đủ, chính xác các thắc mắc của anh chính là người bác sĩ ra chỉ định và sẽ phẫu thuật cho em anh.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)