Hiểu đúng về ngáy và ngưng thở khi ngủ

Hiểu đúng về ngáy và ngưng thở khi ngủ

 

TT - Ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là hiện tượng rối loạn giấc ngủ thường gặp, bệnh chiếm tỉ lệ 4% ở nam giới, 2% ở nữ giới.

 Picture9

Hình minh họa -Ảnh: ifitnessnh

Tuy nhiên, thường bệnh nhân chỉ tìm đến bác sĩ khi nào bệnh quá nặng hoặc có biến chứng.

Nhiều năm nay, cứ mỗi khi đang ngủ vào ban đêm, bà Trần Thị Hồng (61 tuổi, ngụ tại TP.HCM) có tình trạng tim đập nhanh, huyết áp tăng cao. Những lúc này bà thường ngồi bật dậy, tuy đầu óc tỉnh táo nhưng cơ thể như bị kiệt sức, rất khó tả, cảm giác như “sắp chết đến nơi”.

Đôi khi bà cảm thấy rõ như nghe tiếng tim “ịch” một cái rồi ngưng đập, giống động cơ bị “giật” lúc cúp điện không hoạt động được nữa vậy. Bà chỉ biết lấy tay đập đập vào tim thì tim đập trở lại bình thường. Tình trạng kéo dài khiến bà Hồng luôn hoang mang, hồi hộp, ngủ không yên.

Những triệu chứng gặp phải khiến bà Hồng tưởng mình mắc bệnh tim mạch nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch ở nhiều bệnh viện khác nhau, thực hiện các xét nghiệm và tầm soát nhưng các chỉ số của bà đều bình thường, bác sĩ kết luận bà không mắc bệnh tim mạch.

Vậy nguyên nhân gây ra những cơn ngưng thở đột ngột trong khi ngủ của bà Hồng là gì?

Câu hỏi có lời giải chỉ khi bà Hồng đến khám tại khoa tai mũi họng sau khi đọc một bài viết trên báo nói về chứng ngưng thở khi ngủ với những triệu chứng giống hệt của bà.

Bác sĩ của khoa tai mũi họng đã thăm khám kỹ và kết luận bà Hồng mắc chứng ngáy và ngưng thở do tắc nghẽn. Nguyên nhân của bệnh là do sự tắc nghẽn đường hô hấp trên khi ngủ.

Bà Hồng được phẫu thuật vách ngăn mũi, cắt amidan và chỉnh hình màn hầu. Hai tháng sau phẫu thuật, bà ngủ không còn ngáy, tình trạng tim ngưng đập thưa dần và mất hẳn. Đến nay sau khi phẫu thuật gần một năm, bà Hồng đã tìm được cuộc sống bình an với giấc ngủ ngon mỗi đêm.

Ngáy trong khi ngủ là hiện tượng rối loạn giấc ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp thường gặp với nhiều người khi cơ thể quá mệt mỏi, gọi là ngáy sinh lý. Còn ngủ ngáy bệnh lý xảy ra khi tiếng ngáy quá to, người bệnh thường tỉnh giấc giữa đêm, sáng dậy mệt mỏi, mất tập trung. Vì vậy khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ tiến hành các bước:

- Thứ nhất là dựa vào bệnh sử của bệnh nhân, thông qua lời kể của người thân bệnh nhân, chứng kiến cơn ngáy, cơn ngưng thở của người bệnh cùng với các triệu chứng vào ban đêm như ngáy to làm phiền người ngủ chung, có cơn ngưng thở ngưng ngáy kết thúc bằng hơi thở mạnh, thức giấc vì giật mình, nghẹt thở, tiểu đêm, trằn trọc khó ngủ, trở mình thức giấc thường xuyên.

Ngoài ra, còn các triệu chứng vào ban ngày như mệt mỏi, nhức đầu buổi sáng, khô miệng, buồn ngủ khi đọc báo, xem tivi, giảm trí nhớ, nhầm lẫn, trầm cảm, lo âu, nóng giận, giảm sinh lý, trào ngược, cao huyết áp.

- Thứ hai là khám lâm sàng đường hô hấp trên, nội soi lúc thức.

- Thứ ba là đo đa ký giấc ngủ - bệnh nhân đeo máy đo một đêm để ghi các chỉ số điện tim, điện não, điện cơ, điện động mắt, các chỉ số hô hấp.

Hiện nay, nhiều cơ sở áp dụng phương pháp điều trị tiên tiến là nội soi trong lúc ngủ. Kỹ thuật này mang lại kết quả cao vì xác định chính xác nhất vị trí tắc nghẽn trong lúc bệnh nhân ngủ so với các phương pháp khác.

Bệnh nhân được tiêm một lượng thuốc ngủ vừa đủ để tạo ra giấc ngủ gần như bình thường. Sau đó bác sĩ đưa ống mềm qua đường mũi, khi bệnh nhân có cơn ngưng thở thì bác sĩ nhanh chóng xác định chính xác vị trí gây tắc nghẽn tại mũi, sau khẩu cái mềm, đáy lưỡi hay thanh quản.

Đối với bệnh nhân ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các phương pháp điều trị bao gồm giảm cân, thở máy áp lực dương và phẫu thuật. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân, có thể chọn một hoặc nhiều phương pháp phẫu thuật sau:

- Phẫu thuật ở mũi: phẫu thuật chỉnh vách ngăn, chỉnh hình cuốn mũi, chỉnh hình van mũi, loại bỏ khối u, polyp mũi.

- Phẫu thuật ở họng: cắt amidan, chỉnh hình họng, màn hầu, khẩu cái bằng laser.

- Phẫu thuật ở lưỡi: cắt amidan lưỡi, cắt một phần giữa lưỡi, làm nhỏ lưỡi bằng laser.

- Các phẫu thuật khác: phẫu thuật đẩy xương hàm ra phía trước, phẫu thuật treo xương móng vào sụn giáp.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (khoa tai mũi họng - Bệnh viện FV)